Ở thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hiện tại có khoảng trên dưới 20 cây sưa đỏ với tuổi đời chưa thể biết chính xác nhưng theo các cụ cao niên ước đoán cũng đã trên 100 năm tuổi. Một số cây to cổ thụ có đường kính gốc ước tính khoảng 1m, đa số các cây còn lại có đường kính gốc khoảng 0,6m đến 0,8m, chiều cao của cây cũng khoảng trên dưới 20m.
Nhiều cây đã bị cắt cành từ khá lâu, đặc biệt có 2 cây đã bị xẻ thịt nhiều lần, lần gần nhất có lẽ vào dịp gần nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay. Hai cây sưa đỏ này đang có nguy cơ bị sưa tặc tận diệt.
Hai cây sưa ở thành phố Vĩnh Yên mới bị kẻ gian xẻ thịt
Như chúng ta đã biết: Sưa đỏ là loại cây gỗ quý thuộc nhóm IA, là một trong 13 loài và nhóm loài thực vật bị Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm khai thác với mục đích thương mại.
Cách đây không lâu, báo chí đã từng đưa tin ở làng Chóa, Yên Phong, Bắc Ninh có một cây sưa đỏ khoảng trăm năm tuổi, cây đã từng bị kẻ gian cắt trộm một cành nhưng chưa lấy đi được, các cụ già và dân làng Chóa đã phải cắt cử nhau luân phiên trực đêm, trực ngày để canh giữ “cây vàng” cây “bạc tỷ” của làng. Hay vụ 3 cây sưa ngàn tỷ ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bị kẻ gian đốn hạ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì cơ quan chức năng của Quảng Bình lại phải tiếp tục căng sức để ứng phó với thông tin hai cây sưa ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị bán tại rừng cho đầu nậu gỗ sưa với giá 100 tỷ đồng v.v… đó chỉ là một vài vụ có tính chất điển hình được phát hiện và đưa lên mặt báo.
Một số nguồn tin không chính thống của giới buôn gỗ đã bình luận: Sưa tặc đi tìm kiếm, săn lùng gỗ sưa không phải vì miếng cơm manh áo hàng ngày mà mục đích để họ làm giàu và đổi đời. Sưa đỏ ở Vĩnh Yên được một số giới sành gỗ quý đánh giá là tốt vào bậc nhất Việt Nam, bởi cây có tuổi đời rất cao, giống cây quý cộng với chất đất tốt đã tạo ra gỗ sưa cực tốt, nhiều lõi, phần giác không đáng kể nên rất có giá trị kinh tế và thẩm mỹ.
Trong cơn sốt gỗ sưa hiện nay, thật khó có thể “tuyên truyền giáo dục” với sưa tặc và kẻ gian. Cần phải nhanh chóng có những giải pháp mạnh đủ để bảo vệ cây và răn đe, cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn nữa để bảo vệ tài sản quốc gia rất dễ bị xâm hại.
Xin mượn lời của ông Nguyễn Bá Thụ, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chủ tịch Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đã từng chia sẻ với báo giới để thay cho lời kết: "Gỗ sưa đang đắt như heroin thì phải cần có những hình phạt nghiêm khắc, còn nếu chỉ chiểu theo các mức phạt của Luật bảo vệ và phát triển rừng như hiện nay thì không đủ sức răn đe lâm tặc..."
Thiết nghĩ: Hơn bao giờ hết, đã đến lúc tỉnh Vĩnh Phúc cần thiết phải có phương án cấp bách, có hồ sơ quản lý cây sưa đỏ, đánh số, chụp ảnh hiện trạng từng cây sưa để lưu giữ và giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chức chịu trách nhiệm bảo vệ những cây sưa quý hiếm đang có nguy cơ bị đốn hạ hàng ngày. Không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Theo http://www.vinhphuc.gov.vn